Tùy theo đặc điểm giải phẫu của từng chủng tộc mà có những phẫu thuật thích hợp được thực hiện. Ví dụ ở phương tây người ta thường có mũi gồ, xương mũi cao nhưng không thẳng đều, xương mũi lệch vẹo, chóp mũi bị khoằm nên phẫu thuật thường được thực hiện là đục xương tạo hình, chỉnh hình vách mũi, tạo hình chóp mũi … Còn ở châu Á cũng như tại Việt Nam, người ta thường bị mũi tẹt (xương mũi thấp), cánh mũi to và lỗ mũi rộng nên phẫu thuật thường là độn sống mũi, cắt bớt cánh mũi, khâu nhỏ làm hẹp bớt lỗ mũi…
Các phẫu thuật vừa nêu chỉ cần gây tê cục bộ là đủ, hiếm khi phải gây mê (trừ những trường hợp đặc biệt). Chỉ khâu được rút bỏ sau 5 đến 7 ngày.
Việc chăm sóc sau mổ tương đối đơn giản: giữ vết mổ khô sạch, tránh va chạm mạnh ít nhất trong 3 tháng đầu. Sau 3 tháng mổ độn sống, sẽ có một lớp xơ mỏng bao quanh vật ghép, nhờ đó mà định vị được lâu dài và bền vững, có thể va chạm, sờ nắn mà không sợ lệch.
Việc gọt giũa vật liệu độn sẽ quyết định sống mũi sau phẫu thuật đẹp hay xấu. Điều này tùy thuộc vào độ cao, độ dài, độ cong và bề ngang của vật độn có thích hợp cho khuôn mặt và độ giãn da trên xương mũi hay không. Tuy nhiên, đẹp xấu còn tùy thuộc vào ý thích của bạn như thế nào?, nên việc thảo luận với bác sĩ để được tham vấn trước mổ vô cùng quan trọng. Mổ nâng sống mũi bằng chất độn silicon dẻo là một phẫu thuật đơn giản nhưng phải tuyệt đối chính xác, thời gian mổ chỉ từ 10 đến 20 phút. Nếu bác sĩ có kinh nghiệm, khéo tay và tuân thủ đúng các nguyên tắc vô trùng thì ít khi có biến chứng xảy ra.
Biến chứng hay gặp là sống mũi không cân đối, quá cao hoặc quá dài, bề ngang quá to, da mũi bị căng bóng và đỏ, sống mũi bị lệch méo, vết mổ không lành do nhiễm trùng hoặc do thiếu máu nuôi, thủng niêm mạc bên đối diện,… Nếu bị nhiễm trùng thì gần như phải lấy vật liệu ra vì kháng sinh thường không hiệu quả. Có thể chỉnh sửa những khiếm khuyết trên khi vết mổ đã ổn định từ 3 đến 6 tháng sau. Khoảng vài năm sau mổ độn sống, có thể thấy hiện tượng lớp tổ chức dưới da bị thoái hóa làm da mỏng đi, mất tính đàn hồi; lúc này, sẽ thấy rõ vật độn cộm dưới da không tự nhiên như lúc đầu. Có khi vùng da chóp mũi quá mỏng, sờ thấy rõ vật liệu và đau, lúc này phẫu thuật lại là cần thiết để tránh thủng da vùng chóp mũi, gây sẹo vĩnh viễn. Bạn nên tái khám và theo sự hướng dẫn của bác sĩ khi có bất cứ dấu hiệu gì bất thường.
Nói chung, một sống mũi đẹp phải hài hòa cân đối với khuôn mặt, các bờ tiếp xúc phải liền phẳng, da trên mũi phải có tính chất tự nhiên, không căng quá bóng và quá mỏng. Thường sau vài tháng bạn sẽ thích nghi dần, không còn cảm giác đó là mũi đã chỉnh, bạn trở nên tự tin và thoải mái hơn trong giao tiếp.